CHÈ SHAN TUYẾT VINH SÍNH

Trà shan tuyết Hồng Trà và Trà Mao Tiêm Vinh Sính - Đặc sản trứ danh của vùng núi Bắc Quang, Hà Giang

Xã Nậm An có khí hậu bốn mùa mát mẻ và trong lành, đây cũng là nơi có hơn 90% dân số là đồng bào người Dao sinh sống. Nhờ khí hậu, thổ nhương và tập quán truyền thống của người dân bản địa đã tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và nhiều màu sắc trên non cao Nậm An.

Nằm trên độ cao gần 1000 mét so với mực nước biển, Nậm An ẩn mình trong những làn sương, đây làm một vùng núi cao với sắc xanh phủ kín, sắc xanh của mây trời và những đồi chè bạt ngàn vút tầm mắt. Xen giữa những miền chè xanh ngắt là thấp thoáng bản người Dao nằm nhỏ bé bình yên bên sườn núi.

Người Dao ở đây vẫn giữ được những nét đơn sơ thuần khiết trong phong tục tập quán, văn hóa và kiến trúc, điều này được thể hiện qua các hình ảnh quen thuộc dễ thấy ở bất kỳ đâu trên vùng non cao này. Đó là những nếp nhà mái gỗ, những chiếc váy thêu hoa rực rở trong nắng hè…

Nhắc đến Nậm An không thể không nhắc tới những cây chè Shan tuyết cổ thụ, những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm. Cây chè không chỉ là nguồn sống mà còn gắn liền với đời sống văn hoá của con người nơi đây.

Người Dao ở đây cũng không ai biết chính xác cây chè có trên vùng cao này từ khi nào chỉ truyền tai nhau một câu chuyện truyền thuyết kể rằng: Xưa kia có một nhóm người dân tộc Dao di cư đến đây thì gặp cảnh loạn lạc đường xa, thiếu đồ ăn, thức uống lại bệnh tật hành hoành. Thấy một loài cây xanh tốt, tán rộng, lá xanh to bằng nửa bàn tay, búp cây ngậm sương trắng như tuyết, họ liền hái lá ăn và cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Ngày này qua ngày khác, họ lấy lá cây đun với nước suối uống, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều khỏe khoắn trở lại. Họ cho rằng, có trời cứu giúp và quyết định ở lại đây với loài cây lạ này. Từ đó, cuộc sống của người Mông gắn với cây chè Shan tuyết cho tới ngày hôm nay.

Đây là giống chè cổ thụ cây cao hơn so với ở các vùng chè khác và ẩn chứa nét gì đó hoang sơ của núi rừng. Chè cổ thụ cao hơn đầu người, cành lá sum suê, thân xù xì, tán xoè rộng. Cây chè ở đây phát triển tự nhiên trong vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, vì thế người dân không cần chăm bón cầu kỳ cây vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc.

Chè Nậm An có vị ngọt của dòng nước lành, vị tinh khiết của những hạt sương sớm vùng non cao và vị thơm bùi khó lẫn. Nhiều gia đình dân tộc Dao ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi cây chè là món quà của đất trời ban tặng cho người Dao ở vùng đất này.

Người Dao chăm chỉ chịu khó trồng ngô, trồng lúa, họ còn giỏi hái chè, xao chè, bởi cây chè đã sống từ nhiều đời với người dân nơi đây. Nậm An độ này đang vào mùa chè, chẳng thế mà cứ lên đến lưng chừng núi là dễ thấy thấp thoáng bóng những cô gái Dao với váy hoa rực rỡ kéo nhau lên núi hái chè. Công việc hái chè nghe tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thật vất vả vô cùng. Những cây chè cao vượt đầu người tán rộng hàng mét, vậy nên để lấy được những búp chè non phải trèo lên cành cao của cây để hái.

Chị Phàn Thị Sính và các em trong bản đã quen với công việc hái chè từ khi chỉ là những đứa trẻ, chị Sính tâm sự: “Người Dao ở đây rất quan tâm tới cây chè vì nó là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nó cũng gắn bó với người dân từ nhiều đời, nó quen thuộc như cây lúa đối với người dân dưới đồng bằng. Vì thế, người Dao không ai là không biết làm chè và hầu như nhà nào cũng có đồi chè”.

Bởi đã gắn bó với người Dao từ xa xưa nên người dân nơi đây đã dành cả tình cảm, công sức từ khâu chăm sóc, thu hái cho đến chế biến và bảo quản. Chè hái về rồi lọc lại những búp không bị sâu, không quá già, sau đó mới xao trong chảo gang. Củi dùng xao chè phải thật khô, cháy đượm, giữ lửa cháy nhỏ vừa nhưng phải thật đều. Một số hộ người Dao trên Nậm An vẫn giữ cách xao chè truyền thống, dường như hương vị của chè được chính tay người dân xao trên bếp lửa và chảo gang có hương vị đậm đà hơn chăng!

Xao chè Shan tuyết là bí quyết của người Dao ở Nậm An, chẳng dễ gì mà học được, vào vụ chè cả bản tỏa hương thơm ngào ngạt. Chè xao rồi phải vò bằng tay thật khéo, sao cho búp chè săn lại, cái tài của người xao là phải biết chè xao đến độ nào là vừa đủ. Búp chè Tuyết được chính bàn tay của người Dao ở Nậm An chăm chỉ chịu khó chế biến như cuộn hết sự tinh khiết, thanh cao của mây gió, núi ngàn vào trong.

“Làm chè vất vả lắm, đầu tiên là lúc chăm sóc, rồi đi thu hái và về xao chè, phải xao đi xao lại, nhưng bù lại chè ở Nậm An lại rất sạch và thơm ngon hơn nhiều vùng chè khác. Bởi khí hậu và đất trên này phù hợp để trồng chè và cũng chỉ khi trồng chè ở đây thì chè mới thực sự ngon đúng hương vị của nó” - Chị Phàn Thị Sính chia sẻ.

Bút chè non sao lên được pha với nước suối đun sôi hương thơm tỏa nồng đượm, uống vào thấy đọng mãi vị ngọt trên đầu lưỡi, cũng chỉ có người Dao Nậm An mới biết cách pha chè Shan tuyết ngon đúng vị. Khi pha chè, người Dao ở đây phải dùng nước nguồn trên núi thì chén trà mới có hương vị đậm đà và màu sắc tươi hơn.

Dùng nước sôi tráng qua một lượt để cánh chè giãn da, loại bỏ chút bụi còn vương lại chế nước sôi đầy ấm rồi mới đậy nắp chừng vài phút. Trong mây núi Nậm An nhấp chén trà xanh cảm nhận vị ngọt đượm, chan chát nồng nàn lan tỏa trong không gian dễ khiến người ta có cảm giác lâng lâng khó tả giữa cảnh sắc núi rừng thiên nhiên và chút hơi sương lãng đãng mát lành.

Tuy nhiên, trước đây do tập quán canh tác, chế biến còn nhiều hạn chế bà con chỉ bán được 5 - 6.000 đồng/kg chè búp tươi nên giá trị sản xuất lúc đó chỉ đạt 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.

Trong 10 năm trở lại đây, chính quyền huyện Bắc Quang đã chú trọng đầu tư phát triển cây chè. Đồng bào Dao sinh sống tại thôn Nậm An đã cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập Hợp tác xã và từng bước đưa danh tiếng sản phẩm chè Vinh Sính vươn xa.

Hàng năm, huyện Bắc Quang tổ chức tập huấn trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Từ Chương trình hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Huyện đoàn Bắc Quang chủ trì nhằm thúc đẩy và kết nối cung ứng sản phẩm chè cho các cơ sở, Hợp tác xã chế biến chè đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cho thành viên nhóm sở thích.

Theo đó, chương trình đã hỗ trợ cho Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính, xây dựng bao bì, nhãn mác cho sản phẩm, tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, xây dựng website và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng cho hai sản phẩm Hồng Trà Vinh Sính và Trà Mao Tiêm Vinh Sính.

Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính bước đầu đã chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ra thị trường. Đây là đơn vị đầu tiên đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại sử dụng các nguyên liệu đốt như gas, điện, dầu diezen thay củi.

Hợp tác xã này đã liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Tân Lập, Liên Hiệp, Đức Xuân… thu mua, sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm chè từ bình dân đến cao cấp như, chè xanh, chè vàng, hồng trà, bạch trà và trà mao tiêm… doanh thu hàng năm đạt gần 1 tỷ đồng.

Đời sống của người dân vùng chè được nâng lên, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Nậm An 100% thoát nghèo. Thu nhập của người lao động tại Hợp tác xã đạt từ 5-15 triệu đồng/người/tháng, tăng 5 lần so với những ngày đầu mới thành lập.

Hai sản phẩm Hồng trà hộp 300gr và Trà Mao Tiêm hộp 200gr của Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính đã được hỗ trợ phát triển và quảng bá thương hiệu từ chương trình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Huyện đoàn Bắc Quang. Đây sẽ là cơ hội cho hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính được học hỏi, cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới./.